Fakebook, cơn nghiện mạng xã hội và những hệ luỵ


Uỷ ban thương mại liên bang Mỹ (FTC) vừa yêu cầu Facebook đóng một mức phạt kỷ lục đối với các công ty công nghệ là 5 tỷ đô la Mỹ do hoàng loạt những bê bối vi phạm quyền riêng tư của người dùng. Không chỉ Mỹ, hàng loạt các chính quyền ở nhiều nước cũng đang cân nhắc những khoản phạt tiền khác nhau. Có nhà bình luận còn cho rằng 5 tỷ USD so với Facebook chả là gì, có khi phải thêm con số không nữa mới đủ răn đe. Mình thì thấy việc phạt Facebook về xâm phạm riêng tư là một ví dụ rất điển hình của cái gọi là karma cuộc đời. Một cách dễ hiểu, đó là chuyện của nhân quả. Thử nghĩ mà xem, chúng ta được sử dụng Facebook miễn phí, được thoải mái “xâm phạm” vào riêng tư của nhau hoặc cởi mở sự riêng tư của mình cho người khác thì việc bị Facebook xâm phạm riêng tư có phải là cái giá phải trả? Cái gì miễn phí cũng có cái giá của nó.

Facebook cho chúng ta xài free thì buộc phải “hiểu sâu” hơn những thông tin cá nhân để có thể sử dụng data đó kiếm tiền. Cuối cùng thì Facebook cũng chỉ là một doanh nghiệp mà thôi. Dù có đóng phạt 5 tỷ USD hay 50 tỷ USD, liệu ta có đủ sức can thiệp vào cái gọi là “chuyện riêng tư của Facebook trong việc xâm phạm vào riêng tư của người dùng”? Mình cho là không thể. Hình phạt đáng sợ nhất đối với Facebook không phải là phạt tiền, hay những buổi điều trần Quốc hội thảo mai, mà chính là sự tẩy chay của người dùng cơ. Liệu bao nhiêu người sẽ tẩy chay Facebook vì nó xâm hại vào riêng tư của người khác?

Điều đáng lo ngại hơn của Facebook, không phải là chuyện xâm hại vào kết nối online của người dùng, mà chính là chuyện nó dường như làm hại kết nội offline của tất cả chúng ta. Chúng ta connect với hàng ngàn friends trên Facebook, được follow bởi hàng triệu người dưng, thực hiện hàng ngàn tương tác trên mỗi dòng status, những câu comment…nhưng chúng ta có thật sự có những connection sâu sắc?
Có người chỉ kết nối với nhau bằng messenger năm này tháng nọ mà chợt quên béng ra họ chẳng có số phone của nhau, đến khi rơi vào tình huống mất 3G không thể liên lạc được mới lật đật thấm thía mối quan hệ hời hợt của mình.

Người ta có hàng tá cái Group chat Facebook, mỗi người chat với nhau cả trăm cả ngàn message, nhưng đến khi gặp nhau trực tiếp thì trò chuyện được dăm ba câu, có khi một hồi cả đám lại ngồi bấm điện thoại. Thiếu điều muốn quay lại group chat để chat với nhau cho dễ hơn dù ngồi trước mặt.
Từ bao giờ con người ta trở nên khó mở lòng với nhau như thế? Lần cuối cùng bạn có một cuộc nói chuyện in person thật sự sâu sắc là khi nào? Lần cuối cùng bạn thoải mái chia sẻ với bạn của mình về vui buồn trong cuộc sống là khi nào?

Với Facebook, người ta thoải mái chia sẻ hơn trên online, không lẽ điều đó khiến họ trở nên khó khăn hơn khi chia sẻ offline? Chưa kể, những thứ được chia sẻ online chưa chắc đã là thật. Cái chúng ta chia sẻ online đôi khi là sự phản ánh những tâm tư của chúng ta trước những thứ online khác mà thôi. Share một status vì nó đang theo trend, comment một vài chữ vì bất đồng với chủ thớt…. Cái sự nhanh và viral của Facebook khiến chúng ta đôi khi chẳng có thời gian để kịp nói ra điều thật sự chúng ta muốn nói. Câu Tay nhanh hơn não hay anh hùng bàn phím là bắt đầu từ đây. Những comment trên Facebook, vài chữ ít ỏi làm sao có thể diễn tả hết được ý đồ muốn nói, từ đó nảy sinh bao mâu thuẫn với sự phát tán cấp số nhân. Vụ anh ca sĩ ĐVH và chị doanh nhân nọ rùm beng mấy ngày qua cũng chỉ xuất phát từ một bức hình, và kéo theo đó là sự cuồng nộ của một đám đông mất lý trí, đẩy sự việc trở thành vết dầu loang. Có người vì bất đồng trên Facebook mà nghỉ chơi ngoài đời. Mình cho đó là một thất bại của con người trước mạng xã hội. Mạng xã hội chính là một xã hội thật chứ không ảo, nó được trợ giúp của trí thông minh nhân tạo, thuật toán của facebook cộng với sự hời hợt của con người nên đã đẩy con người chúng ta ra xa hơn. Chưa kể, việc dễ dàng biết đến đời tư của người khác trên mạng xã hội cũng dễ tạo cho con người tâm lý so sánh. Mà một khi còn sự so sánh nghĩa là khi đó chúng ta sẽ không bao giờ hạnh phúc. Vì lúc nào cũng nghĩ cỏ ở bên đồi kia nó xanh hơn. Chưa kể, chúng ta có khi nhọc công so sánh mình với những thứ ảo chứ không thật của người khác. Sự bất hạnh càng tăng gấp bội.

Những fake news, thông tin giả mạo, tiêu cực lan truyền chóng mặt cũng bắt đầu từ đây. Ai đó lo ngại về trí tuệ nhân tạo sẽ khiến con người mất jobs trong tương lai. Mình cho rằng có một mối nguy lớn hơn, đó không phải là mất jobs mà là mất đi sự kết nối giữa người với người. Một kỷ nguyên khi máy móc trở nên thông minh hơn, trợ giúp con người được nhiều hơn chỉ có thể thật sự hiệu quả nếu con người giữ được sự kết nối sâu sắc với nhau. Còn không thì tất cả chúng ta sẽ trở thành nô lệ của công nghệ mà thôi. Bạn có thể trả lời hay không trả lời câu “What’s your mind?” của Facebook, nhưng hãy tập thêm thói quen hỏi câu đó với những mối quan hệ của mình. Và hơn thế nữa, muốn người khác chia sẻ thì có khi chính mình phải chia sẻ trước. Một người mở lòng thì người kia cũng dễ mở lòng hơn. Facebook hay mạng xã hội nói chung cũng chỉ là một công cụ, một món đồ chơi công nghệ mà thôi. Đừng làm nó khiến chúng ta cảm thấy không hạnh phúc. Con người thường hay có những bảng thống kê ai giàu nhất, ai tạo ảnh hưởng nhất nhưng chả bao giờ có bảng thống kê ai hạnh phúc nhất. Sự giàu có là thứ dễ thống kê nhất nhưng khó đạt được nhất với người bình thường. Còn Hạnh phúc? Nó là thứ khó thống kê nhất nhưng bất cứ ai cũng có thể đạt được nếu biết cách. Một trong những cách ấy là bớt lệ thuộc vào công nghệ và internet.

One thought on “Fakebook, cơn nghiện mạng xã hội và những hệ luỵ

Leave a Reply